Xe Trung Quốc gây chú ý tại châu Âu nhưng Toyota mới là hãng làm nên chuyện

Những bàn luận xoay quanh quyết định tăng thuế của Liên minh châu Âu (EU) tập trung vào việc xe điện giá rẻ Trung Quốc đe dọa ngành ô tô ra sao. Volkswagen dự kiến đóng cửa tới 3 nhà máy ô tô ở Đức cũng được cho là có liên quan tới mối đe dọa đến từ xe điện giá rẻ Trung Quốc.

Tuy nhiên, số liệu thống kê do công ty nghiên cứu Schmidt Automotive Research ở Đức vừa công bố cho thấy mối đe dọa đối với VW Group, Stellantis, và Renault – các nhà sản xuất ô tô lớn nhất châu Âu – không đến từ BYD, mà là Toyota.

Xe Trung Quốc gây chú ý tại châu Âu nhưng Toyota mới là hãng làm nên chuyện - 1

Vào cuối tháng 10, Toyota đã kỷ niệm cột mốc xuất xưởng chiếc xe thứ 5 triệu tại Anh (Ảnh: Rod Kirkpatrick/RKP Photography).

Trong 9 tháng đầu năm nay, BYD chỉ bán được 28.535 xe, chiếm 0,3% thị phần của 18 thị trường lớn nhất Tây Âu, theo Schmidt.

Không hề đe dọa các nhà sản xuất ô tô châu Âu, làn sóng xe Trung Quốc thậm chí đang có xu hướng thoái lui. Thương hiệu Polestar và Smart của Geely có doanh số giảm lần lượt 23% và 2%, trong khi doanh số của Lynk & Co giảm tới 75%. Nio giảm 24%.

GWM sẽ đóng trụ sở tại châu Âu, đặt ở Đức. Công ty này chứng kiến doanh số giảm 23% so với năm ngoái, chỉ bán được 3.369 xe.

Thương hiệu ô tô Trung Quốc bán chạy nhất châu Âu hiện nay vẫn là MG của Tập đoàn công nghiệp ô tô Thượng Hải (SAIC), bán được 165.311 xe, tăng 6% so với năm ngoái, nhưng phần lớn doanh số của MG không phải xe thuần điện, mà là hybrid. Hiện tại, chưa đến một nửa ô tô Trung Quốc bán tại châu Âu là xe thuần điện.

Trong khi đó, Toyota đã lặng lẽ củng cố vị trí của mình tại châu Âu bằng danh mục sản phẩm xe hybrid đa dạng, phân khúc hút khách hơn xe thuần điện.

Không ồn ào, Toyota lặng lẽ giấu mình, nên các cuộc tranh luận về tính hiệu quả của ngành ô tô châu Âu tập trung vào các thương hiệu và xe thuần điện Trung Quốc. Giờ đây Toyota mới bất ngờ gây chú ý khi sở hữu loạt xe hybrid thực dụng hơn nhiều so với xe thuần điện.

Công ty Schmidt lưu ý rằng Toyota đã vượt Stellantis và Renault, trở thành nhà sản xuất ô tô bán chạy thứ hai ở 18 thị trường lớn nhất Tây Âu.

Xe Trung Quốc gây chú ý tại châu Âu nhưng Toyota mới là hãng làm nên chuyện - 2

Thị phần xe du lịch tại Tây Âu trong giai đoạn từ 1995 đến 2024 (Ảnh: Matthias Schmidt).

Tính riêng năm nay, Toyota (bao gồm cả Lexus) đã chứng kiến mức tăng trưởng 10,1% ở Tây Ban Nha, 14,4% ở Pháp, 16,4% ở Đức, và 21,9% ở Italy. Mức tăng trưởng hai con số như vậy thường chỉ có ở các thương hiệu mới gia nhập thị trường, do xuất phát từ con số 0, chứ không phải ở các nhà sản xuất kỳ cựu như Toyota.

VW hiện là nhà sản xuất ô tô lớn nhất châu Âu, nhưng đã thua Toyota ở 13 trong số 18 thị trường lớn nhất ở Tây Âu. Công ty Schmidt cho biết VW quá phụ thuộc vào Đức, với thị trường nội địa chiếm tới 43,5% doanh số trong khu vực, và nếu không tính doanh số ở Đức, Toyota chỉ kém 1 điểm phần trăm so với VW.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

20 + 1 =