Ứng xử với thuốc lá mới: Ra nghị quyết để thí điểm quản lý hoặc sửa luật để cấm

Trong khuôn khổ tọa đàm “Phòng chống buôn lậu các sản phẩm thuốc lá: Giải pháp chính sách phù hợp” diễn ra mới đây, ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật kinh tế – dân sự (Bộ Tư pháp) chia sẻ quan điểm, những gì hạn chế quyền con người thì phải sửa luật nếu muốn cấm. Còn nếu ban hành nghị quyết thì phải là nghị quyết để thí điểm quản lý.

Chuyên gia: Muốn cấm thì cần sửa luật

Theo phân tích của ông Lê Đại Hải, Quốc hội có quyền ban hành nghị quyết thí điểm khi thỏa mãn một trong các trường hợp: Một là chưa có luật điều chỉnh; hai là khác với luật hiện hành.

Ứng xử với thuốc lá mới: Ra nghị quyết để thí điểm quản lý hoặc sửa luật để cấm - 1

Ông Lê Đại Hải. Nguồn: Tiền Phong

Trên cơ sở đó, thuốc lá là ngành hàng kinh doanh có điều kiện và chịu kiểm soát bởi Luật Phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL). Nếu loại TLTHM nào được xác định là sản phẩm thuốc lá thì sẽ thuộc Luật PCTHTL, do vậy chỉ có thể rơi vào trường hợp thứ hai, đó là “khác với luật hiện hành”.

Với loại TLTHM nào đã là sản phẩm thuốc lá, Quốc hội có quyền ban hành nghị quyết thí điểm có thời hạn và đánh giá sau quá trình thực hiện. Theo quy trình của thí điểm, nếu kết quả tích cực thì sẽ cho phép chính thức và áp dụng thành luật, ngược lại thì sẽ bãi bỏ.

Trước đề xuất ra nghị quyết để cấm TLTHM, ông Hải nhắc lại Hiến pháp Việt Nam, trong đó nêu rõ, mọi quy định hạn chế quyền con người, quyền công dân nếu muốn cấm thì phải được thể chế hóa thành luật.

Mới đây, tại Phiên chất vấn Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan ngày 11/11, ông Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nêu ý kiến tại nghị trường liên quan đến vấn đề quyền con người cần được cân nhắc: “Việc phòng chống thuốc lá ở đây cũng phải tính đến 12 triệu người đang hút thuốc lá hiện nay, họ có quyền được tiếp cận nếu như sản phẩm đó thực sự là tốt hơn, giảm thiểu tác hại hơn. Vì dính đến quyền con người, nên khi chúng ta nghiên cứu phương án cấm hay không cấm thì phải có cơ sở”.

Từ phân tích của các chuyên gia, có thể thấy, việc cấm TLTHM chỉ thật sự khả thi khi phải sửa luật thay cho nghị quyết. Bên cạnh đó, quy trình sửa luật hay ban hành nghị quyết là như nhau, mất ít nhất 2 năm trở lên, trong điều kiện không có quan điểm khác biệt về các cơ sở khoa học để thấy rõ TLTHM độc hại hơn thuốc lá điếu đến mức phải cấm.

Bộ tiêu chuẩn quốc gia của Bộ KH-CN: Xác định thuốc lá nung nóng có chất nền là thuốc lá

Để làm rõ loại TLTHM nào là sản phẩm thuốc lá, ông Lê Đại Hải cũng đề cập 3 Tiêu chuẩn Quốc gia  (TCVN) về TLNN mà Bộ Khoa học – Công nghệ (KH-CN) đã công bố từ năm 2020.

Về khoa học, TLNN không có quá trình đốt cháy; Về cấu tạo, TLNN có chứa chất nền (nguyên liệu) là thuốc lá. Điều này cũng được ông Lê Thành Hưng, Trưởng phòng Tiêu chuẩn chất lượng Nông nghiệp Thực phẩm, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam (VSQI), Bộ KH-CN nhiều lần khẳng định trong các hội thảo chuyên môn.

Ứng xử với thuốc lá mới: Ra nghị quyết để thí điểm quản lý hoặc sửa luật để cấm - 2

Dưới góc độ quốc tế, các công ước mà Việt Nam đã ký kết và công nhận áp dụng bao gồm Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá (FCTC) của WHO, hay Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) cùng khẳng định TLNN là sản phẩm thuốc lá. Do vậy, theo các đại biểu, việc xác định TLNN là thuốc lá là phù hợp với cả hệ thống văn bản pháp luật hiện hành trong nước lẫn hiệp ước, thông lệ quốc tế.

“Nếu sản phẩm đó đúng là thuốc lá, thì theo quy định của Luật ĐT, thuốc lá là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, Bộ Y tế cần sửa Luật PCTHTL để đưa vào điều khoản giải thích từ ngữ hay phạm vi, đối tượng điều chỉnh của luật”, ông Hải khẳng định. 

Sáng 12/11, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, đánh giá về các vấn đề y tế, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long nêu, về vấn đề TLĐT, TLNN, hiện vẫn có nhiều ý kiến trái chiều, trong đó bao gồm ý kiến từ các nhà quản lý, nhà khoa học và cộng đồng doanh nghiệp.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan nghiên cứu biện pháp quản lý phù hợp để tăng cường quản lý đối với TLĐT, TLNN và các sản phẩm thuốc lá mới khác để báo cáo Quốc hội. Đồng thời giao Bộ Y tế nghiên cứu xây dựng đề án sửa đổi Luật PCTHTL để sớm báo cáo Quốc hội.

Kết luận phiên chất vấn, Bộ Y tế được yêu cầu đề xuất bổ sung vào chương trình xây dựng luật pháp lệnh Quốc hội việc sửa đổi Luật PCTHTL, nghiên cứu báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chủ trương xây dựng văn bản phù hợp để quản lý và phòng chống tác hại của TLĐT, TLNN và thuốc lá mới khác.

Sau nhiều thảo luận, đến nay, tinh thần đã rõ ràng để việc các bộ ngành liên quan phối hợp cùng nghiên cứu để thống nhất biện pháp kiểm soát phù hợp đối với TLĐT, TLNN trong thời gian sớm nhất. 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

2 × one =