Tên lửa đạn đạo Nga sử dụng để bắn vào thành phố Dnipro vào ngày 21/11 là RS-26 Rubezh, hãng truyền thông Ukrainska Pravda của Ukraine trích dẫn các nguồn tin ẩn danh, cho biết.
Trước đó, Ukraine cáo buộc Nga đã bắn ICBM vào các mục tiêu trọng yếu ở Dnipro nhưng Moscow chưa bình luận về thông tin này. Theo Reuters, nếu đây là sự thật, nó sẽ là lần đầu tiên mà Nga sử dụng ICBM sau 1.000 ngày chiến sự bùng phát với Ukraine.
ICBM là vũ khí tự dẫn đường, được đẩy bằng tên lửa, lao xuống mục tiêu nhờ lực hấp dẫn. Những tên lửa có tầm bắn trên 5.500km được xem là ICBM.
Tuy nhiên, theo viện nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ, mặc dù RS-26 được phân loại là ICBM theo hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân New START giữa Mỹ và Nga, nhưng nó cũng có thể được xếp vào loại tên lửa đạn đạo tầm trung.
Tên lửa đạn đạo bao gồm ICBM có thể được bắn ở chế độ tầm thấp, nghĩa là chúng không bay vào không gian và quỹ đạo của chúng vẫn nằm trong bầu khí quyển. Điều đó sẽ sử dụng nhiều nhiên liệu hơn và làm giảm tầm bắn.
ICBM bay với tốc độ vài km/giây. Theo một nguồn tin quân sự, nếu xuất phát từ Nga, RS-26 sẽ mất chưa đầy 10 phút, do khoảng cách từ điểm phóng ở vùng Astrakhan tới Dnipro là hơn 700km.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa được thiết kế để mang đầu đạn hạt nhân, dù nó có thể mang đầu đạn thường. Trong kho vũ khí, chúng thường được xếp vào loại vũ khí răn đe do uy lực của dòng tên lửa này.
Theo Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí có trụ sở tại Mỹ, RS-26 có tầm bắn lên tới 5.800km.
CSIS cho biết RS-26 lần đầu tiên được thử nghiệm thành công vào năm 2012 và ước tính dài 12m, nặng 36 tấn và có thể mang đầu đạn hạt nhân nặng 800kg. Mỗi tên lửa có thể mang bốn đầu đạn với sức công phá ước tính là 0,3 megaton.
Mỹ chưa bình luận về vụ việc. Trong khi đó, Peter Stano, người phát ngôn của Ủy ban châu Âu, cho hay đã nắm được thông tin về cáo buộc từ phía Ukraine và đang đánh giá bức tranh toàn cảnh.
“Rõ ràng là các cuộc tấn công như vậy sẽ đánh dấu một sự leo thang rõ ràng khác từ phía Nga. Và trong thời gian qua, chúng ta thực sự không thiếu các dấu hiệu cho thấy Nga sẽ tiếp tục leo thang xung đột”, ông nói.
Theo quan chức EU, các cuộc tấn công của Nga vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine cho thấy Moscow đang không tìm cách hạ nhiệt căng thẳng.
Ông nói thêm rằng nếu các báo cáo về việc Nga sử dụng tên lửa đạn đạo liên lục địa được xác nhận, “đó sẽ là một thay đổi về mặt định lượng và định tính khác trong cách tiếp cận này và là dấu hiệu leo thang rõ ràng”.