Tình huống được cho là diễn ra vào ngày 9/11 ở khu vực đèo Chuối trên Quốc lộ 27, đoạn qua tỉnh Lâm Đồng.
Theo đó, chiếc xe bán tải đã chạy bám rất sát phía sau xe tải, dẫn đến việc không phanh kịp khi xe tải phía trước dừng đột ngột. Va chạm mạnh khiến chiếc xe bán tải bị vỡ móp phần đầu bên phải.
“Đoạn đường đèo này thoáng đẹp nhưng hẹp, nên các xe cứ chạy nối đuôi nhau và giữ khoảng cách thôi, không vượt được. Còn việc giữ khoảng cách thì đi đường nào cũng cần, để có đủ thời gian xử lý tình huống.
Nhiều người thấy đường vắng nên chủ quan, nghĩ cứ thế bon bon nối đuôi nhau, không có tình huống khẩn cấp gì tới mức xe trước phải phanh gấp, nhưng kết quả của xe bán tải trong clip trên là câu trả lời rồi”, nickname Đức Quân bình luận sau khi xem video được chia sẻ trên các hội nhóm về giao thông.
Nick Nguyễn Thuận cũng nêu ý kiến tương tự: “Nhiều người cứ bao biện là dù cho mình giữ khoảng cách an toàn với xe phía trước thì trên đường cao tốc cũng có rất nhiều xe tranh thủ lách vào giữa, cứ như vậy thì không biết khi nào mới tới nơi. Nhưng theo tôi, an toàn mới là quan trọng nhất. Điều kiện khách quan không cho phép mình giữ được khoảng cách lý tưởng thì cũng luôn cố gắng giữ khoảng cách ở mức an toàn nhất có thể, chứ cứ chạy nhanh mà bám sát đuôi xe phía trước thì chấp nhận hên xui thôi”.
Giữ khoảng cách bao nhiêu là an toàn?
Thông tư 31/2019/TT-BGTVT của Bộ GTVT quy định rõ ràng và chi tiết về khoảng cách an toàn giữa hai xe khi tham gia giao thông ứng với từng tốc độ của xe. Theo đó, khoảng cách an toàn giữa hai phương tiện cùng tham gia giao thông cụ thể như sau (trong điều kiện đường khô ráo):
Tuy nhiên, khi lái xe trên đường, không dễ ước lượng khoảng cách bằng đơn vị mét, nên các tài xế thường áp dụng quy tắc 3 giây để tính khoảng cách an toàn khi lái xe trên đường cao tốc.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng trong điều kiện bình thường, 3 giây là khoảng thời gian đủ để tài xế kịp phản ứng trước các sự cố như phía trước có xe bị hư hỏng, gặp chướng ngại vật trên đường…
Bản chất của quy tắc 3 giây là khoảng thời gian cần thiết để tài xế dừng xe an toàn sau khi đạp phanh, dựa trên các tính toán tổng hợp về tốc độ phản xạ của người lái, quán tính của xe sau khi phanh để xe có thể dừng lại hoàn toàn và tránh được va chạm.
Để xác định cự ly “3 giây”, bạn hãy tìm một vật cố định bên đường để làm “cột mốc”; đó có thể là biển báo giao thông, cột đèn hay cây cối… Khi xe ngay trước bạn vượt qua “cột mốc”, bạn hãy đếm 1… 2… 3… theo nhịp đúng 3 giây.
Sau khi đếm xong, nếu xe của bạn tới đúng “cột mốc” thì tức là khoảng cách với xe phía trước đủ an toàn. Ngược lại, nếu bạn chưa đếm hết 3 giây mà đã tới “cột mốc”, thì cần đi chậm lại để nới rộng cự ly, đảm bảo khoảng cách an toàn.
Quy tắc 3 giây được áp dụng trong điều kiện thời tiết tốt, trời khô ráo, tầm nhìn thoáng… Trong điều kiện trời mưa, tầm nhìn bị hạn chế thì phải tăng lên thành 6 giây, tức giữ khoảng cách với xe phía trước gấp đôi so với thông thường.