Phát biểu trên Fox News hôm 24/11, ông Mike Waltz nhấn mạnh, ưu tiên chính của chính quyền sắp tới là tổ chức các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine, với mục đích đưa cả hai bên lại với nhau để đàm phán về một lệnh ngừng bắn hoặc thỏa thuận hòa bình.
“Chúng ta cần thảo luận xem ai sẽ tham gia bàn đàm phán này, liệu đó sẽ là một thỏa thuận hay một hiệp định đình chiến, làm thế nào để đưa cả hai bên vào bàn đàm phán và sau đó là phạm vi của thỏa thuận là gì”, ông nói.
Ông Waltz cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lôi kéo các đồng minh châu Âu của Mỹ vào quá trình này. Ông cho biết: “Tất cả các đồng minh và đối tác của chúng ta cần chia sẻ gánh nặng này”. Ông đồng thời nhấn mạnh việc giải quyết xung đột sẽ cần đến sự hợp tác quốc tế.
Ông Waltz lưu ý, những quyết định gần đây, chẳng hạn như việc Tổng thống Mỹ Joe Biden chấp thuận cho Ukraine sử dụng vũ khí do Washington viện trợ để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga kéo theo giao tranh dữ dội hơn, đẩy xung đột đến một bước ngoặt leo thang mới.
Là một đại tá đã nghỉ hưu và là chuyên gia về các mối đe dọa an ninh quốc gia, ông Waltz tin rằng chính quyền Tổng thống đắc cử Trump sẽ hành động nhanh chóng để khôi phục khả năng răn đe và chấm dứt xung đột.
“Tổng thống đắc cử rất lo ngại về sự leo thang và mọi chuyện sẽ đi đến đâu. Chúng ta cần phải giải quyết vấn đề này một cách có trách nhiệm. Chúng ta cần khôi phục lại sự răn đe và hòa bình, ngăn chặn sự leo thang sau này, thay vì phản ứng lại nó”, ông cho hay.
Ông chỉ trích việc chính quyền Tổng thống Biden “bật đèn xanh” cho Ukraine tấn công sâu vào Nga. Mặc dù vậy, ông cho biết, ông và nhóm chuyển tiếp của Tổng thống đắc cử Trump đang cộng tác với chính quyền đương nhiệm và ông đã gặp gỡ Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan.
“Chúng tôi sát cánh cùng nhau”, ông cho biết khi tái khẳng định sự thống nhất trong quá trình chuyển giao quyền lực.
Trong chiến dịch tranh cử, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhiều lần tuyên bố có thể chấm dứt xung đột Nga – Ukraine trong vòng 24 giờ, và bày tỏ quan ngại về tính chất leo thang của cuộc xung đột này, đặc biệt là khi việc sử dụng vũ khí tiên tiến ngày càng tăng.
Cuộc chiến Ukraine đang có những bước leo thang mới sau khi một số nước phương Tây được cho là đã cho phép Kiev dùng vũ khí viện trợ tấn công sâu vào Nga. Đáp lại, Moscow sửa đổi học thuyết hạt nhân, hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.