Ảnh vệ tinh hé lộ thiệt hại ở Ukraine sau vụ tấn công tên lửa mới của Nga

Ảnh vệ tinh hé lộ thiệt hại ở Ukraine sau vụ tấn công tên lửa mới của Nga - 1

Ảnh chụp vệ tinh khu vực nhà Yuzhmash ở thành phố Dnipro, Ukraine sau vụ tấn công của tên lửa Nga (Ảnh: X).

Trang tin Avia Pro dẫn các ảnh vệ tinh độ phân giải thấp chụp ngày 22/11 cho thấy nhà máy công nghiệp quân sự Yuzhmash ở thành phố Dnipro của Ukraine chỉ bị hư hại ở khu vực ngoại vi, trong khi khu vực sản xuất chính gần như nguyên vẹn.

Hôm 21/11, Nga đã phóng tên lửa vào thành phố Dnipro của Ukraine. Ban đầu, Kiev cho rằng, Moscow đã lần đầu tiên sử dụng tên lửa đạn đạo liên lục địa.

Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin sau đó cho hay, Nga sử dụng tên lửa đạn đạo tầm trung Oreshnik thế hệ mới, nhắm vào một cơ sở công nghiệp quốc phòng ở thành phố Dnipro của Ukraine.

Theo lời ông Putin, Oreshnik có khả năng di chuyển với tốc độ gấp 10 lần tốc độ âm thanh, do đó không thể bị đánh chặn. Chủ nhân Điện Kremlin cũng cho biết đã chỉ đạo sản xuất hàng loạt tên lửa loại này.

Các nguồn tin của Nga cho hay, tầm bắn của tên lửa này lên tới 5.000km, cho phép Nga tấn công hầu hết châu Âu và thậm chí là cả bờ biển phía Tây của Mỹ.

Oreshnik dường như có đầu đạn hồi quyển tấn công đa mục tiêu độc lập (MIRV), tức là các đầu đạn riêng biệt mang khối nổ thông thường hoặc khối nổ hạt nhân để tấn công các mục tiêu khác nhau.

Phân tích video ghi lại khoảnh khắc vụ tập kích ở Dnipro, các nhà quan sát phát hiện 6 vệt sáng của vật thể lao xuống mặt đất ở vận tốc rất lớn, cho thấy tên lửa Oreshnik có khả năng mang theo ít nhất 6 đầu đạn tấn công độc lập.

Theo Tổng cục Tình báo Ukraine (GUR), tên lửa này có 6 đầu đạn, mỗi đầu đạn chứa 6 đầu đạn con. Thời gian bay của tên lửa từ trận địa phóng ở khu vực Astrakhan của Nga đến Dnipro là 15 phút.

Theo phân tích video, các đầu đạn của Oreshnik sau khi lao xuống mặt đất ở Dnipro không gây ra các vụ nổ lớn, cho thấy 2 khả năng xảy ra. Một là đầu đạn được sử dụng là loại rỗng, không mang thuốc nổ, nhằm thử nghiệm và răn đe, không gây thiệt hại lớn trên mặt đất. Hai là đầu đạn xuyên ngầm, tuy nó không gây vụ nổ lớn trên mặt đất, nhưng có thể phá hủy các hệ thống đường hầm ngầm bên trong nhà máy Yuzhmash.

Đến nay Ukraine không bình luận về mức độ thiệt hại do Oreshnik gây ra. Tuy vậy, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định thế giới có loại vũ khí bắn hạ được tên lửa Oreshnik. Do vậy, ông kêu gọi phương Tây nhanh chóng viện trợ cho Kiev các hệ thống phòng thủ tiên tiến.

Ông cho biết, giới chuyên gia của nước này phối hợp với các đối tác quốc tế đang nghiên cứu, phân tích các mảnh vỡ của tên lửa.

Hôm 24/11, Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) đã trưng bày và cho phép phóng viên phương Tây quan sát các mảnh vỡ tên lửa. Họ cho biết đây là những bộ phận của đầu đạn tên lửa mà Nga sử dụng để tập kích thành phố Dnipro.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

seven − five =