Trưng bày 100 bức ảnh chân dung phụ nữ Tây Bắc trên giấy dó

Tối 26/11, triển lãm thị giác Tây Park – Ngàn đã khai mạc tại 75 Hàng Bồ, Hà Nội. Triển lãm được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh tại Tây Bắc của đạo diễn Nguyễn Thanh Tuấn.

Trưng bày 100 bức ảnh chân dung phụ nữ Tây Bắc trên giấy dó - 1

Đạo diễn – Nhiếp ảnh gia Nguyễn Thanh Tuấn chia sẻ tại buổi khai mạc triển lãm tối 26/11.

Chia sẻ tại sự kiện, Nguyễn Thanh Tuấn khiêm tốn nhận mình là người kể chuyện bằng hình ảnh.

“100 bức chân dung chủ yếu là phụ nữ vùng cao của 6 tỉnh Tây Bắc nơi mà tôi chạm gặp trong những chuyến làm phim, sản xuất các chương trình nghệ thuật suốt 10 năm qua.

Đó có thể là những người phụ nữ thầm lặng nghiên cứu, sưu tầm hàng ngàn vốn quý của Tây Bắc thành những áng văn chương, sách vở. Có thể là những người phụ nữ khiếm thính, bị câm nhưng nuôi nấng 5, 7 người con nên người… Hàng trăm chân dung như vậy khiến tôi ấn tượng và mong muốn được kể nhiều hơn về họ.

Chính vì vậy công chúng sẽ được thấy những dòng chú thích ở mỗi tác phẩm được kể lại như những mẩu truyện ngắn trên giấy dó”, Nguyễn Thanh Tuấn chia sẻ.

Trưng bày 100 bức ảnh chân dung phụ nữ Tây Bắc trên giấy dó - 2

Chân dung phụ nữ Tây Bắc được in trên giấy dó.

Cảm hứng với chất liệu giấy dó còn bắt nguồn từ việc anh khám phá ra nhiều loại giấy dó của đồng bào các dân tộc ở Tây Bắc dọc theo quốc lộ 6 lên đến Điện Biên luôn có nhiều gốc khác nhau từ vỏ cây dướng, cây giang, rơm và đặc biệt phải nhắc đến cây leo mọc trên núi đá ở Điện Biên.

Rừng nguyên sinh còn thì những loài cây này mới có thể tồn tại và tiếp tục được bà con dùng phương pháp thủ công lưu giữ. Đại đa số giấy dó được bà con dùng trong các nghi thức tâm linh như làm vàng mã, dán ở ban thờ và ít khi được ứng dụng với các loại hình khác.

Khi in ảnh trên giấy dó nét hoài cổ và độ xuyên sáng trên mỗi tác phẩm đem đến một cảm nhận thú vị với riêng cá nhân Thanh Tuấn từ đó tạo ra những hiệu ứng về thị giác nhất định.

Phát triển từ chất liệu này, Nguyễn Thanh Tuấn đã đa dạng cách sắp đặt các tác phẩm nhiếp ảnh tại triển lãm từ việc đặt ảnh trên mặt mâm mây đan lát của người Thái, kết hợp với chiếc điếu ục bằng tre, gắn trên thổ cẩm…

Toàn bộ các tác phẩm được bố trí trong không gian rộng 100m2 theo logic hành trình trải nghiệm đi qua các tỉnh Tây Bắc theo thứ tự giao thông: Hòa Bình – Sơn La – Yên Bái – Lào Cai – Điện Biên giúp người xem có được trải nghiệm trọn vẹn về Tây Bắc.

Trưng bày 100 bức ảnh chân dung phụ nữ Tây Bắc trên giấy dó - 3

Triển lãm có nhiều hiện vật tái hiện không gian Tây Bắc.

Ngoài ra, trong triển lãm còn có rất nhiều các hiện vật tái hiện không gian Tây Bắc được anh kết hợp với nghệ sĩ điêu khắc họa sĩ Lò An Chương dàn dựng mang đến trải nghiệm độc đáo. Thậm chí từ mùi vị, hương của Tây Bắc cũng sẽ được gợi nhắc ở triển lãm thông qua các loại gia vị, mùi cây cỏ…

Phần âm thanh của triển lãm được thiết kế riêng bởi cố vấn âm nhạc Nguyễn Việt Hùng. Các tác phẩm hòa tấu violin của nghệ sĩ Trịnh Minh Hiền cùng với thanh âm của Tây Bắc từ tiếng suối chảy, tiếng cọn nước, chim kêu, tiếng gà gáy của những mảnh vườn nhỏ trầm bổng đem đến cho khách thưởng lãm trải nghiệm thú vị.

Triển lãm Tây Park – Ngàn diễn ra từ 26/11 đến 1/12.

Nguyễn Thanh Tuấn là một gương mặt quen thuộc trên sóng truyền hình với các chương trình truyền hình thực tế như: Đi là đến (VTVCab), Hành trình 1735+ (QPVN), Giờ kết nối (QPVN), Nét ẩm thực Việt (VTV3, Hành trình vẻ đẹp (VTV1)… trong vai trò MC, người dẫn chương trình, nhân vật trải nghiệm.

Anh còn được biết đến với vai trò tổ chức sản xuất, biên kịch, đạo diễn…

Ảnh: Nguyễn Hà Nam

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

16 + thirteen =