Khoản đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng của Vicem nguy cơ mất vốn

Thanh tra Bộ Tài chính đã công bố kết luận thanh tra tại Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem). Trước đó, vào tháng 7, Bộ Tài chính đã quyết định thanh tra việc chấp hành pháp luật về tài chính, kế toán và thuế tại Tổng Công ty Xi măng Việt Nam và 3 công ty con trực thuộc (gồm Vicem Tam Điệp, Vicem Hải Phòng, Vicem Hà Tiên).

Theo kết luận, đầu tư tài chính dài hạn của Công ty mẹ – Tổng Công ty tại thời điểm 31/12/2023 là 13.973 tỷ đồng vào 31 công ty (gồm 17 công ty con, 10 công ty liên doanh, liên kết và 4 công ty khác), chiếm 93% vốn góp của chủ sở hữu.

Một số khoản đầu tư tại Công ty mẹ Vicem tiềm ẩn rủi ro mất vốn đầu tư. Cụ thể, ngày 31/12/2023, Công ty mẹ Vicem trích lập dự phòng tổn thất các khoản đầu tư với số tiền hơn 3.000 tỷ đồng đối với 7 khoản đầu tư.

Chi tiết hơn, tại Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Tam Điệp, số vốn đã đầu tư là 1.132 tỷ đồng; lỗ lũy kế 1.126 tỷ đồng; trích lập dự phòng 1.069 tỷ đồng.

Công ty đang mất cân đối vốn, khả năng thanh toán nợ thấp. Tổng công ty đang hỗ trợ cho công ty vay vốn để thanh toán các khoản nợ đến hạn với tổng số tiền là 396 tỷ đồng.

Vicem Tam Điệp cũng hạch toán chi phí không đúng 575 tỷ đồng, dẫn đến phải giảm lỗ số tiền tương ứng. Vì vậy, công ty mẹ phải điều chỉnh giảm trích lập dự phòng tổn thất đầu tư tại đơn vị này 575 tỷ đồng.

Tại Công ty cổ phần Xi măng Vicem Hải Vân, số vốn đã đầu tư là 315 tỷ đồng ; năm 2023 lỗ 64 tỷ đồng; lỗ lũy kế 61 tỷ đồng; trích lập dự phòng 34 tỷ đồng.

Tại Công ty cổ phần Xi măng Hạ Long, số vốn đã đầu tư là 1.606 tỷ đồng; năm 2023 lỗ 648 tỷ đồng; lỗ lũy kế là 4.902 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu âm 2.960 tỷ đồng; trích lập dự phòng 1.606 tỷ đồng.

Tại công ty cổ phần Xi măng Vicem Sông Thao, số vốn đã đầu tư là 517 tỷ đồng; lỗ lũy kế đến 31/12/2023 là 313 tỷ đồng; trích lập dự phòng 253 tỷ đồng.

Tại Công ty cổ phần Sông Đà 12, số vốn đã đầu tư là 12 tỷ đồng; năm 2023 lỗ 3,5 tỷ đồng; lỗ lũy kế đến 31/12/2023 là 233 tỷ đồng; trích lập dự phòng hơn 10 tỷ đồng. Kết luận thanh tra cho biết, công ty có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.

Tại Công ty cổ phần Tấm lợp Vật liệu Xây dựng Đồng Nai, số vốn đã đầu tư là 44 tỷ đồng; năm 2023 lỗ 99 tỷ đồng; lỗ lũy kế đến 31/12/2023 là 788 tỷ đồng; trích lập dự phòng 41 tỷ đồng. Công ty có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.

Tại Công ty cổ phần Cao su Đồng Nai – Kratie, số vốn đã đầu tư là 96 tỷ đồng; năm 2023 lãi 13 tỷ đồng; lỗ lũy kế đến 31/12/2023 là 179,5 tỷ đồng; trích lập dự phòng 4,25 tỷ đồng.

Tổng vốn đầu tư cho 7 khoản này là hơn 3.000 tỷ đồng.

Khoản đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng của Vicem nguy cơ mất vốn - 1

Số liệu tài chính của Vicem (Ảnh chụp màn hình).

Ngoài ra, kết luận thanh tra xác định 9 công ty con, công ty liên doanh liên kết khác được Công ty mẹ đầu tư cũng có kết quả kinh doanh lỗ năm 2023 nhưng vốn chủ sở hữu vẫn cao hơn vốn đầu tư.

Ngoài ra, kết luận yêu cầu Vicem và 3 công ty con phải nộp bổ sung ngân sách Nhà nước tổng số tiền 11,9 tỷ đồng, bao gồm 4,7 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp, 532 triệu đồng thuế giá trị gia tăng và 6,69 tỷ đồng lợi nhuận còn phải nộp vào ngân sách Nhà nước.

Trong đó, Vicem Hải Phòng phải nộp bổ sung thuế thu nhập doanh nghiệp 3,18 tỷ đồng; Vicem Hà Tiên phải nộp thêm 1,52 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp và 532 triệu đồng thuế giá trị gia tăng liên quan đến hàng hóa khuyến mại không đúng pháp luật. Công ty mẹ nộp bổ sung lợi nhuận vào ngân sách số tiền 6,69 tỷ đồng.

Thanh tra Bộ Tài chính đề nghị Vicem rà soát, đánh giá các khoản tài chính tại doanh nghiệp kinh doanh kém hiệu quả. Vicem phải chỉ đạo người đại diện phần vốn góp tại các bên này có ý kiến với Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị xây dựng phương án cụ thể để khắc phục khó khăn tài chính, lỗ lũy kế kéo dài.

Thanh tra cũng yêu cầu Vicem khẩn trương xem xét, quyết định thực hiện giám sát tài chính phù hợp với các công ty có dấu hiệu mất an toàn tài chính.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

four × 2 =